Cách chuẩn bị cơ sở vật chất để trồng rau sạch

  1. Chọn đất trồng rau 

Rau có thể trồng trên nhiều loại đất. Tuy nhiên, nên chọn những chân đất cát pha, đất thịt nhẹ hoặc đất thịt trung bình, có tầng đất mặt dày 20 – 30 cm; độ chua (độ pH) của đất khoảng từ 5 – 7. Đất có độ chua phù hợp giúp cây rau hấp thụ các chất dinh dưỡng từ đất được tốt. Mỗi loại rau ưa đất có độ chua khác nhau (Bảng 1).

 

Bảng 1: Độ chua của đất (pH) phù hợp cho một số loại rau

Loại rau

Độ pH thích hợp

Loại rau

Độ pH thích hợp

Cải bắp

6,5 – 7,5

Đậu cove

6,5 – 7,8

Cải củ

7,0 – 7,5

Đậu Hà Lan

6,0 – 7,0

Súp lơ 

6,0 – 7,0

Cà chua

6,3 – 6,7

Xà lách

6,0 – 6 5

Cà tím

5,5 – 6,0

Cần tây

6,5 – 7,5

Hành tây

6,4 – 7,9

Bí đỏ

5,5 – 7,5

Cà rốt

5,5 – 7,0

Dưa chuột

5,8 – 6, 5

Khoai tây

5,0 – 5,5

 

Nếu độ chua của đất không phù hợp (thường là quá chua), cần bón bổ sung vôi. Giống như với bất kỳ hóa chất nào, sử dụng vôi cũng cần tuân thủ nguyên tắc 4 đúng: đúng loại vôi, đúng lượng vôi, đúng lúc và đúng cách bón vôi. 

Thường thì với đất trồng rau người ta dùng vôi bột để khử chua. Trước khi bón, kiểm tra độ chua của đất để xác định lượng vôi cần bón. Đất càng chua càng phải bón nhiều vôi, đất càng có nhiều chất hữu cơ càng cần bón nhiều vôi:

  • Với đất sét có nhiều chất hữu cơ, nhưng bị chua: có thể bón từ 0,5 – 2 tấn vôi cho mỗi hecta, tùy vào độ chua của đất.
  • Với đất cát, ít chất hữu cơ, nhưng bị chua: bón 0,2 – 1 tấn vôi cho mỗi hecta, tùy vào độ chua của đất

Ngoài tác dụng khử chua đất, vôi còn giúp khử trùng, tiêu diệt một số mầm sâu bệnh hại. Vì thế, vôi còn được dùng cho vào ủ cùng phân hữu cơ để bón ruộng.

Yêu cầu ruộng, nương trồng rau:

  • Dễ thoát nước và không bị ngập úng
  • Chủ động được nguồn nước tưới, có hệ thống mương dẫn nước và hệ thống tưới phù hợp
  • Hệ thống giao thông nội đồng phù hợp để vận chuyển sản phẩm
  • Ruộng, nương được chia theo các ô, thửa để dễ luân phiên gieo, trồng nhiều loại rau và bố trí tưới tiêu.

2. Chuẩn bị giống rau

Cần chuẩn bị đủ lượng hạt giống có chất lượng để chủ động thời vụ và kế hoạch sản xuất. Lượng hạt giống của các loại rau khác nhau cần thiết cho một diện tích đất là khác nhau (Bảng 2).

Bảng 2: Lượng hạt giống rau cần cho 1 sào Bắc bộ và 1 hecta

Loại rau

Lượng (kg) hạt giống cần cho 1  ha 

Loại rau

Lượng (kg) hạt giống cần cho 1  ha

Cải bắp, súp lơ

11-18

Đậu cô ve lùn

2500 – 2800

Su hào

36 – 43

Đậu cô ve leo

2000 – 2200

Cải bẹ, cải tàu

14 -18

Cà rốt

100 -140

Cải xanh gieo vãi

350 – 360

Cải củ

400 – 450

Xà lách, rau diếp

14 – 16

Rau muống

2500

Cà chua

14 – 25

Hành hoa

70 – 75

Cà bát, cà tím

14 – 22

Hành tây

108 – 140

Mướp, bí xanh

18 – 36

Cần tây

11 – 18

 

Hạt giống rau tốt cần đạt các yêu cầu sau:

  • Tỷ lệ nảy mầm trên 90%. – Độ sạch trên 98%.
  • Ẩm độ hạt nhỏ hơn 10%.
  • Không có hiện tượng bị sâu mọt, nấm mốc hay nhiễm các bệnh khác

Lưu ý:

  • Mỗi giống rau, loại rau phù hợp để gieo trồng trong điều kiện khí hậu, đất đai nhất định. Cần lựa chọn giống rau phù hợp với điều kiện thời tiết khí hậu.
  • Số lượng hạt giống cần cho một diện tích đất thay đổi theo mùa, trong mùa nắng ít hơn trong mùa mưa.
  • Cần chuẩn bị một lượng hạt giống dự phòng (khoảng 10 – 20%) lượng hạt cần thiết.

 

3. Chuẩn bị phân và vôi 

Rau cho năng suất cao so với những loại cây trồng khác, vì vậy, mỗi vụ, rau lấy đi một lượng khá lớn các chất dinh dưỡng từ đất.  Người trồng rau cần bón trả lại cho đất các loại phân bón, bao gồm phân hữu cơ và các loại phân vô cơ. 

Phân hữu cơ cung cấp các chất dinh dưỡng cho cây trồng và bổ sung mùm cho đất, làm đất tơi xốp và giữ ẩm tốt hơn. Do đó nhất thiết phải chuẩn bị đầy đủ phân hữu cơ, phân chuồng để bón cho đất trồng rau.

Để điều chỉnh độ chua (độ pH) của đất cũng cần chuẩn bị đủ lượng vôi bột cần thiết.  

Lưu ý:

  • Phân chuồng cần được ủ kỹ trước khi sử dụng bón cho rau. Bón khi phân ủ vừa đủ hoai, không nên để phân bị xác khô, vì khi đó chất lượng phân bị suy giảm do các chất dinh dưỡng đã bị bốc hơi hoặc bị rửa trôi.
  • Các loại phân và vôi đều phải rõ nguồn gốc, có nhãn mác và hướng dẫn sử dụng rõ ràng, đầy đủ.

4. Chuẩn bị dụng cụ

  • Công cụ làm đất: gồm cày, cuốc, cào 4 – 6 răng (để cào đất), cào nhiều răng (để san mặt luống), vồ đập đất v.v…
  • Công cụ trồng cây: gồm giằm (hay còn gọi là xén trồng cây), cuốc trồng cây (hay còn gọi là cuốc con), dùi trồng cây.
  • Công cụ chăm sóc: bình tưới ô doa, cuốc sừng dê, bình phun thuốc trừ sâu, thùng, chậu men, ống đong, phễu, v.v…
  • Công cụ thu hoạch, vận chuyển: sọt, túi, bao tải, xe cải tiến và các phương tiện vận chuyển khác nhằm bốc dỡ, vận chuyển rau được dễ dàng, ít hư hao giập nát sản phẩm.
  • Bảo hộ lao động: đặc biệt là những đồ dùng đảm bảo an toàn cho người sử dụng thuốc trừ sâu bệnh, như ủng, gang tay, khẩu trang, mũ, quần áo bảo hộ vv.

 

 

Hình 1: Một số dụng cụ phổ biến để trồng rau

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *